Cách trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi của mẹ Nhật cực hay
Biếng ăn là gì?
Biếng ăn là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, trẻ thường ăn ít, bỏ ăn hay sợ ăn. Trẻ sợ ăn thậm chí phản ứng khi nhìn thấy những bữa ăn như khóc, ngậm thức ăn hoặc không chịu nuốt, trẻ lớn hơn có thể chạy trốn, nôn và kêu đau bụng,… Biếng ăn còn bao gồm cả những trươnbgf hợp khi không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, rau, quả… Điều này có thể dẫn đến trẻ ăn không đủ chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của trẻ cũng như khiến cho cha mẹ trẻ lo lắng,…
Vì sao trẻ 1 tuổi hay biếng ăn, không chịu ăn?
Nguyên nhân trẻ biếng ăn thì có rất nhiều, ví dụ như do bé đã ăn quá lâu 1 thực đơn nên sinh ra nhàm chán, chán ăn. Vì thế cha mẹ cần đa dạng thức ăn và tìm cách nựng để bé ăn tốt, ví dụ như: cho bé “ăn thi” với các bạn, vừa đi chơi vừa cho ăn. Tuy nhiên cần phải lưu ý để trẻ ăn đúng giờ, không ăn vặt và đồ ngọt quá nhiều.
Mẹo chữa trẻ biếng ăn của mẹ Nhật cực hay
1/ Trị trẻ không muốn ăn
Khi bé không hứng thú với thức ăn có thể là do bé đang cảm thấy không đói, buồn ngủ hoặc có thể do mệt mỏi. Khi đó thay vì cố ép con ăn, mẹ Nhật thường thay đổi thời gian cho bé ăn, để bé được nghỉ ngơi, dắt bé đi bộ hoặc cho bé ngủ một giấc ngắn.
Một trong những nguyên nhân khiến bé bỏ bữa cũng có thể là do thức ăn nhìn không hấp dẫn. Ở Nhật, các mẹ thường tranh thủ làm thức ăn trong khi bé đang ngủ và cố làm thức ăn trông sao thật màu mè, hấp dẫn nhất có thể khiến các bé khi nhìn thấy sẽ cảm thấy muốn ăn ngay lập tức.
Hoặc đôi khi cũng giống như các mẹ Việt Nam, mẹ Nhật cũng hay gọi tên bé khi cho bé ăn, hoặc nói những câu như “Nào! Ngon này!” khiến các bé cảm thấy được cổ vũ và không khí bữa ăn cũng vui vẻ hơn rất nhiều.
2/ Trẻ không chịu nuốt thức ăn
Nguyên nhân khiến bé ngậm thức ăn có thể là do bé không thích hương vị của món ăn, một số bé sẽ thích những món ăn có mùi vị giống nhau nhưng một số thì lại muốn được ăn những món ăn mới. Với trường hợp này, mẹ Nhật sẽ thử nghiệm các thành phần khác nhau để bé hứng thú khám phá bữa ăn.
Việc bé không chịu nuốt thức ăn có thể còn do thức ăn quá cứng, mặc dù ở Nhật trẻ con được ăn thô sớm nhưng độ cứng của thức ăn cũng khiến các mẹ gặp không ít rắc rối. Hãy tăng độ thô của thức ăn từ từ để chắc rằng em bé của bạn có thể nuốt được chúng.
3/ Trẻ không chịu ngồi ăn
Không ít mẹ Nhật cũng gặp rắc rối với việc bé quấy khóc không chịu ngồi ăn hoặc đùa nghịch và bỏ ăn. Điều này có thể là do bé cảm thấy chán bị mẹ đút cho ăn, muốn được tự cầm thìa để xúc ăn, khi đó, mẹ Nhật sẽ cho bé được tự cầm thìa để tập xúc ăn.
Hầu như trẻ nào cũng thích đồ chơi và các chương trình hấp dẫn trên tivi và không thích ngồi ăn một chỗ, hiểu được điều này thay vì chiều con các mẹ Nhật sẽ cố gắng cho con ăn trong khoảng 20 – 30 phút. Đây là thời gian bé có thể tập trung vào bữa ăn trước khi cảm thấy chán nản.
Chiều cao của ghế cũng là điều các mẹ Nhật rất quan tâm khi cho bé ăn. Mẹ Nhật thường chỉnh ghế sao cho bé nhìn thấy rõ nhất thức ăn trước mặt, khi bé tỏ ra không thoải mái mẹ cũng sẽ lập tức điều chỉnh để bé có thể ngồi yên trong ghế đến hết bữa ăn, kiên quyết không bế rong bé khi ăn.
Trẻ biếng ăn nên cho uống thuốc gì?
Trước khi đến khám, nhiều trẻ đã được mẹ cho uống thuốc bổ, uống men tiêu hóa ở nhà. Khi kết quả không khả quan thì mới đem trẻ đến khám. Bế trên tay con gái 18 tháng tuổi, một người mẹ phàn nàn: “Đợt này cháu ăn rất ít, chỉ nửa bát cháo nhỏ. Em đã cho uống hai tuần thuốc bổ, theo đơn cũ bác sĩ kê, nhưng không thấy tình hình cải thiện”.
Theo TS Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm thông tin – truyền thông và giáo dục, Viện Dinh dưỡng quốc gia, mua men tiêu hóa để tự điều trị cho trẻ biếng ăn, hay rối loạn tiêu hóa đang là lựa chọn của nhiều người lớn. Tuy nhiên việc này có thể dẫn đến tác hại cho tiêu hóa của trẻ. Vì vậy không nên tự mua men tiêu hóa để tự điều trị cho trẻ biếng ăn.
Bản thân cơ thể cũng có hệ thống để sản xuất ra men tiêu hóa giúp quá trình “chế biến” thức ăn đưa vào. Có một số lý do như sau đợt ốm, sau đợt tiêu chảy làm cho các men này bị giảm sút. Tuy nhiên, việc bổ sung men tiêu hóa cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, việc bổ sung chỉ trong một thời gian ngắn, để bù đắp thiếu hụt tại thời điểm cơ thể trẻ có trục trặc chưa sản xuất đủ. Nếu cứ lạm dụng, cho trẻ uống men tiêu hóa dài ngày, lượng men tiêu hóa được đưa vào thụ động này sẽ khiến bộ phận sản sinh ra men của cơ thể trở nên lười biếng, giảm công suất và dần dần đình đốn. Khi đó, lượng men tiêu hóa sản xuất tự nhiên sẽ thiếu hụt và đẩy cơ thể vào tình thế phụ thuộc vào men tiêu hóa được đưa vào từ bên ngoài.
Không tự ý dùng thuốc bổ thuốc bổ được kê cho trẻ thường có thành phần là các vitamin, vi chất thiết yếu cho cơ thể, tuy nhiên cũng cần được chỉ định. Việc bổ sung không hợp lý sẽ gây thừa vitamin, thừa vi chất. Một số chất do dư thừa có thể tích lũy lại gây ngộ độc, gây tác dụng phụ không mong muốn. “Tốt nhất là bổ sung vitamin, vi chất qua chế độ ăn hằng ngày bằng rau xanh, trái cây, đa dạng hóa nhóm thực phẩm”, TS Kim Thanh cho lời khuyên.
Về các nguy cơ liên quan đến thừa vitamin và vi chất, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Trần Nhân Thắng lưu ý: trẻ em dưới 1 tuổi dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D thường xuyên với liều trên 400 UI một ngày, có thể dẫn đến tăng mức can xi máu gây ra trạng thái kích thích, co giật, chậm phát triển trí tuệ. Trường hợp nặng hơn có thể gây suy thận và tử vong. Thừa vitamin A kéo dài ở trẻ em còn để lại hậu quả vĩnh viễn là ngừng phát triển đầu xương, chậm lớn. Thường xuyên dùng quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, giảm sức bền hồng cầu, rút ngắn thời gian đông máu… Vì vậy, sử dụng vitamin và vi chất dinh dưỡng dưới dạng phối hợp phải phân biệt các công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 4 tuổi và cho người lớn.