Khi nào cần giảm vitamin cho trẻ em?
Nếu lo lắng chế độ ăn của trẻ đang thiếu hụt dinh dưỡng vì con không chịu ăn rau hoặc ăn vặt quá nhiều, bạn có thể bổ sung vitamin cho trẻ để yên tâm. Theo chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cung cấp thêm một chút vitamin để đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của trẻ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Có nên dùng thêm chất bổ sung vitamin cho trẻ?
Các chuyên gia không thống nhất kết luận về việc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất hàng ngày có cần thiết với tất cả trẻ em hay không? Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên chỉ nên cho con bạn uống thực phẩm bổ sung nếu bác sĩ trực tiếp đề nghị. Tổ chức này tuyên bố hầu hết trẻ em không cần bổ sung thêm vitamin vì rất nhiều loại thực phẩm phổ biến đã có đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Mặt khác, AAP cũng thừa nhận việc dùng thêm chất bổ sung vitamin cho trẻ sẽ không gây hại, miễn là không nạp vitamin và khoáng chất vượt quá mức cho phép mỗi ngày trong chế độ ăn uống được khuyến nghị.
Một số chuyên gia khác tin rằng uống bổ sung vitamin cho trẻ hàng ngày là cách tốt để bù đắp sự thiếu hụt dưỡng chất trong chế độ ăn uống (nếu có). Nhìn chung, giới chuyên môn đồng ý rằng:
- Dùng thêm thực phẩm bổ sung vitamin cho trẻ hàng ngày sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực, miễn là không vượt quá nhu cầu hàng ngày.
- Một số trẻ em như trẻ ăn chay trường hoặc nhạy cảm với thực phẩm, có thể cần bổ sung một số vitamin hoặc khoáng chất nhất định mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu.
- Tất cả các loại dược phẩm bổ sung đều không thể thay thế cho thực phẩm toàn phần tự nhiên. Không được lạm dụng chất bổ sung vitamin để bù đắp hoặc cân bằng chế độ ăn nghèo nàn, kém dinh dưỡng. Nếu trẻ ăn không ngon miệng, phải kết hợp đồng thời việc uống vitamin với thực hiện các bước để cải thiện thói quen ăn uống của trẻ. Mục tiêu cuối cùng là thực đơn phải trở nên bổ dưỡng và lành mạnh hơn, chứ không phải uống nhiều vitamin hơn.
Tóm lại, nếu bạn lo lắng con mình không đáp ứng được chế độ ăn uống cân bằng, thì có thể bổ sung vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất hàng ngày cho bé. Điều này không thể gây hại nếu dùng trong giới hạn cho phép.
2. Trẻ cần vitamin gì?
Bạn có thể dùng tất cả các loại vitamin tổng hợp thông thường dành cho trẻ em – cả dạng nhai hoặc dạng lỏng, trừ khi bé có nhu cầu đặc biệt khác. Ví dụ:
- Nếu con bạn ăn chay, hãy sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa vitamin B12 và D, cũng như riboflavin và canxi – những chất có thể bị thiếu trong chế độ ăn chay của trẻ.
- Trong trường hợp bác sĩ xác định con bạn bị thiếu máu, bé sẽ được đề nghị bổ sung một lượng chất sắt cụ thể.
- Trẻ em thường không nhận đủ Vitamin D, vì vậy AAP khuyến nghị hầu hết trẻ từ sơ sinh đến tuổi thanh thiếu niên đều nên bổ sung 400 IU vitamin D.
Lưu ý rằng thực phẩm bổ sung thường không chứa 100% tất cả vitamin và khoáng chất. Vì vậy hãy đảm bảo trẻ cũng nhận được đầy đủ vitamin hoặc khoáng chất cần thiết từ đa dạng nguồn thực phẩm.
Ví dụ, nếu con bạn không uống sữa hoặc không nạp đủ chất bơ sữa, đồng thời chỉ nhận được khoảng 15 – 20% nhu cầu canxi hàng ngày từ chất bổ sung, bạn cần tìm thêm cho bé các nguồn thực phẩm khác.
3. Khi nào cần giảm vitamin cho trẻ?
Khi chọn thực phẩm bổ sung vitamin cho trẻ, hãy đọc kỹ nhãn vì dùng không đúng vitamin sẽ tích lũy lại trong cơ thể và dẫn đến một số hậu quả như:
- Thừa vitamin A ở trẻ nhỏ có thể gây tăng áp lực sọ não, thóp phồng, đau đầu, co giật…
- Dùng vitamin C liều quá cao và dài ngày có thể gây tiêu chảy, loét tiêu hóa, sỏi thận, toan máu và hội chứng phụ thuộc vitamin C;
- Lạm dụng vitamin D liều cao kéo dài sẽ gây ngộ độc, tăng canxi máu và nước tiểu, chán ăn, buồn nôn, khát nước, yếu đuối mệt mỏi… Nếu không được điều trị có nguy cơ dẫn tới tử vong;
- Dùng vitamin B6 đến dư thừa có nguy cơ gây rối loạn thần kinh cảm giác;
- Dư thừa vitamin B12 có thể gây cường giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim hoặc các tác dụng thứ phát như nôn nao, choáng váng, nổi mề đay.
Một cuộc khảo sát cho thấy khi có chế độ ăn kém dinh dưỡng mà được bổ sung thêm vitamin, một số trẻ sẽ bị dư thừa vitamin A, axit folic và kẽm. Vì vậy, cần đảm bảo giảm vitamin cho trẻ những chất trên, trừ khi bác sĩ yêu cầu đặc biệt. Ngoài ra, chất lượng và hiệu lực của các chất bổ sung cùng công thức vẫn có thể khác nhau giữa các nhãn hiệu.
4. Lưu ý khi bổ sung vitamin cho trẻ
Trẻ em dưới 4 tuổi không thể nghiền vitamin dạng nhai, vì vậy hãy cho bé uống chất bổ sung dạng lỏng để ngăn ngừa nguy cơ mắc nghẹn. Tuy nhiên, không lạm dụng các thức uống được quảng cáo có tăng cường vitamin và khoáng chất như đồ uống thể thao hoặc nước tăng lực. Thông thường, những sản phẩm này có chứa caffeine và thêm đường, không tốt cho sức khỏe nói chung.
Bên cạnh đó, không có lý do gì buộc trẻ phải uống nhiều vitamin hơn liều khuyến cáo hàng ngày (thường là 1 viên / ngày), ngay cả khi chế độ ăn uống của bé đặc biệt tồi tệ trong suốt tuần qua. Một số người nghĩ rằng dùng thêm một liều sẽ tốt hơn một chút, nhưng thực tế đây là cách bổ sung vitamin cho trẻ nguy hiểm. Tự ý tăng liều quy định không chỉ làm tổn thương con bạn, mà quá liều một số loại vitamin cũng có thể ngăn cản sự hấp thụ những dưỡng chất khác, gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Cuối cùng, vitamin được pha chế để hấp dẫn trẻ em nên thường giống như kẹo hay siro. Cũng vì vậy mà trẻ có nguy cơ ăn nhiều viên cùng một lúc nếu có cơ hội. Nhưng bổ sung quá nhiều vitamin và khoáng chất (đặc biệt là sắt) có thể gây nguy hiểm, hoặc thậm chí gây tử vong. Vì vậy, hãy bảo quản các lọ vitamin như thuốc chữa bệnh. Luôn đậy kín nắp và giữ xa tầm tay của trẻ, tốt nhất là đặt trong tủ thuốc gia đình có khóa. Để an toàn, hãy đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra nếu bạn nghi ngờ rằng con đã tự ý uống vitamin, ngay cả những loại không chứa sắt.
Như vậy, xung quanh câu hỏi khi nào cần giảm vitamin cho trẻ em, bạn cần phải hiểu rõ nguyên tắc: không coi vitamin là “thuốc bổ” dùng để tăng sức khỏe, không tự ý dùng vitamin nếu không bị thiếu, đặc biệt lưu ý các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày. Khi trẻ ăn uống kém, khó ngủ…, biện pháp tốt nhất là đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm và tư vấn, chỉ dẫn cần thiết.