Nên bổ sung vitamin D trong bao lâu để trẻ thoát còi, tăng chiều cao?
Thiếu vitamin D đang trở thành vấn đề toàn cầu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ, tăng nguy cơ còi xương, chậm phát triển chiều cao.
Vì sao mọi trẻ đều cần bổ sung vitamin D?
Vitamin D không đơn thuần là một vitamin thông thường như tên gọi của nó mà còn là hormone ảnh hưởng đến hàng nghìn gen trong cơ thể, tác động tới rất nhiều cơ quan, đặc biệt là với hệ thần kinh và hệ xương.
Vi chất này giúp canxi, phospho hấp thụ được vào máu. Tại xương, vitamin D cùng hormone cận giáp kích thích chuyển hóa canxi và phospho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi để bồi đắp xương, giúp hệ xương phát triển khỏe mạnh.
Nếu không có vitamin D3 thì dù có bổ sung bao nhiêu canxi cũng vô tác dụng. Khi thiếu vitamin D, trẻ rất dễ có nguy cơ bị bệnh còi xương, khiến xương phát triển không bình thường, còi cọc, chậm lớn. Bên cạnh đó còn làm hệ thống miễn dịch suy yếu, chức năng thần kinh bị ảnh hưởng.
Vitamin D là chất dẫn truyền quyết định khả năng hấp thu vitamin D của cơ thể
Biểu hiện rõ nhất là trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình do thần kinh bị kích thích. Trẻ bị đổ mồ hôi trộm về đêm ngay cả khi trời lạnh, rụng tóc vành khăn. Nặng hơn là các rối loạn ở hệ xương như chậm vận động (chậm lẫy, bò, đi), chậm mọc răng, chậm đóng thóp, chân vòng kiềng… Những vấn đề này đều tác động đến sự phát triển nói chung của trẻ, trong đó có chiều cao.
Mặt khác, các nghiên cứu khoa học còn cho thấy, vitamin D thúc đẩy hoạt động của hormone IGF-1 (Insulin-like growth factor 1) có chức năng điều khiển tăng trưởng của cơ thể. Do đó, việc bổ sung vitamin D3 hàng ngày giúp kích thích các yếu tố tăng trưởng hoạt động mạnh nhất để trẻ phát triển cả về chiều cao lẫn cân nặng.
Theo Giáo sư Michael Holick (chuyên gia về vitamin D, ĐH Boston, Mỹ), thiếu vitamin D trở thành một “bệnh dịch” ở trẻ em và còi xương đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu. Ước tính có khoảng hơn 1 tỷ người đang thiếu vi chất quan trọng này, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và trầm trọng thêm chứng loãng xương, gãy xương ở người lớn.
Còi xương đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu.
Chính vì vậy, bổ sung vitamin D dự phòng hằng ngày đã được khuyến cáo trên toàn thế giới với liều lượng khác nhau theo từng độ tuổi.
Nên bổ sung vitamin D cho trẻ trong bao lâu?
Nhiều mẹ thường chỉ bổ sung vitamin D cho con một lần duy nhất sau khi sinh, nếu con không chịu hợp tác bổ sung thì bỏ qua luôn, chỉ đến khi con có các triệu chứng như quấy khóc về đêm, khó ngủ, hay trằn trọc giật mình, đổ mồ hôi trộm… mới tìm cách khắc phục.
Trong khi, khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ chỉ rõ, trẻ dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn đều cần bổ sung 400IU vitamin D/ngày kể từ khi sinh ra cho đến khi trẻ cai sữa và sử dụng ít nhất 1 lít sữa có chứa vitamin D/ngày. Trẻ trên 1 tuổi cần từ 600 – 800 IU/ngày, trẻ mắc chứng béo phì, được điều trị với thuốc chống động kinh, corticoid, thuốc chống nấm hoặc kháng virus, có thể cần 2-4 lần lượng vitamin D khuyến cáo.
Theo Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ, với người trưởng thành từ 19 tuổi trở lên cần ít nhất từ 600 – 800IU/ngày, tốt nhất là trong khoảng từ 1.500 – 2.000 IU/ngày.
Trẻ dưới 18 tuổi cần từ 400 – 800 IU/ngày để hỗ trợ hấp thu canxi, phát triển chiều cao
Có thể nói, vitamin D cần cho mọi lứa tuổi và liều lượng khác nhau. Riêng với trẻ em, giai đoạn hệ xương đang phát triển mạnh nhất, chưa “khóa” lại như người trưởng thành, việc bổ sung vitamin D đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng và khỏe mạnh của xương, tăng chiều cao cho trẻ.
Đặc biệt trong các giai đoạn vàng tăng trưởng như trước 3 tuổi, trẻ phát triển rất nhanh nhưng cũng dễ thiếu vitamin D nhất do đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất. Giai đoạn 4-6 tuổi cho đến khi trẻ bắt đầu thay răng, tiền dậy thì đến hết giai đoạn dậy thì (chiều cao phát triển gần như hoàn thiện), bên cạnh các yếu tố khác về dinh dưỡng, vận động, bổ sung vitamin D đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tối đa về chiều cao.
Lưu ý, với đối tượng trẻ nhỏ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo nên bổ sung liều hằng ngày là cách an toàn nhất, hạn chế dùng vitamin D liều cao trong dự phòng và điều trị vì dễ gây ngộ độc.